Đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc – Hòa Bình – cơ hội để tỉnh tăng tốc

UBND tỉnh Hòa Binh muốn mở rộng đường Hòa Lạc – Hòa Bình từ 2 lên 6 làn xe, rộng 80-110m

Từ khi đường Hòa Lạc – Hòa Bình đưa vào khai thác đến nay đã tạo hiệu ứng tích cực thu hút đầu tư vào địa bàn. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư trong giai đoạn tới, Hòa Bình đang đề xuất với các bộ, ngành T.Ư ban hành cơ chế đầu tư mở rộng tuyến đường nhằm mở ra cơ hội giúp tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến các bộ ngành với kiến nghị của UBND tỉnh Hòa Bình giao tỉnh này đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc – Hòa Bình theo phương thức PPP.

Bộ Giao thông vận tải cho biết theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đoạn tuyến Hòa Lạc (Hà Nội) – Hòa Bình thuộc tuyến cao tốc Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên quy mô 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030. Do vậy, việc mở rộng đường Hòa Lạc – Hòa Bình như đề xuất của UBND tỉnh Hòa Bình để đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai là cần thiết.

Về đề xuất giao UBND tỉnh Hòa Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc – Hòa Bình theo phương thức PPP, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình thống nhất với bộ này và UBND TP Hà Nội về các nội dung có liên quan theo quy định của pháp luật.

Theo Bộ Giao thông vận tải, đường Hòa Lạc – Hòa Bình theo hợp đồng BOT (đường Hòa Lạc – Hòa Bình hiện hữu) đã hoàn thành, đưa vào khai thác. Bộ là cơ quan có thẩm quyền đối với dự án này. Do vậy, để đảm bảo đường Hòa Lạc – Hòa Bình mở rộng được đầu tư có hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng theo Luật PPP, cần cân nhắc một số yếu tố:

Đề xuất của UBND tỉnh Hòa Bình mở rộng đường Hòa Lạc – Hòa Bình với bề rộng mặt đường sau khi hoàn thiện từ 80 đến 100m gồm 6 làn xe, dự trữ quỹ đất hai bên làm đường 4 làn xe nếu thực hiện theo quy mô đường cao tốc có chi phí đầu tư rất lớn. Điều này liên quan tới khả năng thu hút vốn của tư nhân trong đầu tư PPP nên cần cân nhắc quy mô mở rộng để đảm bảo phương án tài chính, hiệu quả đầu tư.

Trong trường hợp các bên liên quan đồng thuận và Thủ tướng chấp thuận việc đầu tư mở rộng tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình theo phương thức PPP, đề nghị lựa chọn loại hợp đồng phù hợp. Bởi vì Luật PPP quy định đối với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng ng trình sẵn có, không áp dụng loại hợp đồng thông qua cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng như hợp đồng BOT, BTO, BOO, O&M.

Trường hợp nhà đầu tư của đường Hòa Lạc – Hòa Bình hiện nay và đường Hòa Lạc – Hòa Bình mở rộng là một thì sẽ thuận lợi giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong việc thống nhất về phương án đầu tư, phương án tài chính và lợi ích của các bên.

Theo Tuoitre.vn

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.